Để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác cứu hộ, lái xe nên ghi nhớ 7 điều quan trọng sau.
Nắm rõ thông tin cơ bản chiếc xe
Trên thực tế, nhân viên cứu hộ luôn muốn bạn cung cấp trước những thông tin liên quan đến chiếc xe, chẳng hạn: Chiếc xe thuộc thương hiệu nào? Tên dòng xe? Đời xe?…
Việc nắm được “lý lịch” chiếc xe sẽ giúp họ chủ động hơn khi chuẩn bị đồ cứu hộ cần thiết. Do đó, bạn nên kiểm tra lại thông tin chi tiết về chiếc xe mình sẽ sử dụng trước khi bước vào khoang lái.
Mô tả chi tiết sự cố
Dựa vào những câu hỏi từ đơn vị cứu hộ, bạn có thể giúp họ hình dung ra sự cố bạn đang gặp phải và tình trạng hiện tại của chiếc xe. Việc đọc và hiểu các biểu tượng báo lỗi trên xe ôtô cũng rất hữu ích trong lúc này.
Bạn hãy cố gắng sử dụng những từ ngữ mô tả chính xác, ngắn gọn để công tác cứu hộ diễn ra thuận lợi.
Có hiểu biết về hệ truyền động của xe
Nhiều trường hợp nhân viên cứu hộ sẽ hướng dẫn bạn các thao tác khắc phục lỗi qua điện thoại. Vì vậy việc đọc hiểu các ký hiệu, biểu tượng trên ôtô rất quan trọng. Bên cạnh đó, bạn cần có kiến thức về các chi tiết bên trong khoang động cơ để tự tay kiểm tra, sửa chữa chiếc xe nhanh gọn.
Không nên cố sửa chữa khi không hiểu về xe
Nếu không có kinh nghiệm sửa chữa ôtô, bạn không nên động vào nó. Những bài hướng dẫn tự sửa chữa trên mạng cũng không giúp bạn “lên tay nghề” trong trường hợp này. Ngược lại, những kiến thức đó cộng với sự bảo thủ của bạn có thể làm chiếc xe hư hỏng nặng hơn.
Không ngại hỏi chi phí sửa chữa
Nhiều người thường không hỏi chi phí trước khi thợ bắt tay vào sửa chữa. Kết quả là nhận được hóa đơn thanh toán quá đắt đỏ. Hiện tại, các dịch vụ bảo hiểm đều kèm theo điều khoản này, do đó bạn cần phải xác nhận lại chi phí sửa chữa trước khi cho phép họ thực hiện công tác cứu hộ.
Lựa chọn đúng phương án kéo hay chở
Hai kiểu cứu hộ này sẽ được áp dụng cho từng kiểu dẫn động xe ôtô. Trên thị trường hiện nay, các dòng xe ô tô sẽ sử dụng các kiểu dẫn động sau: Dẫn động cầu trước, dẫn động cầu sau và dẫn động 2 cầu (AWD hoặc 4WD). Do đó, bạn cần cung cấp đúng kiểu dẫn động của chiếc xe để trung tâm cứu hộ điều loại xe cứu hộ phù hợp.
Đặt cảnh báo hoặc có các tín hiệu cảnh báo
Xe gặp sự cố trên đường, dù có tấp được vào lề đường hay không, bạn cũng không được quên “phát tín hiệu” cảnh báo. Việc này giúp các phương tiện giao thông sớm nhận biết chướng ngại vật và làm chủ tốc độ khi tới gần xe của bạn.
Nếu có thể, bạn hãy đặt cảnh báo phía trước và phía sau cách chiếc xe khoảng 100 m để đảm bảo an toàn giao thông. Tuyệt đối không được dừng xe ở làn trái ngoài cùng nếu xe gặp sự cố trên đường cao tốc.